Đánh giá tình hình phát triển ngành công nghiệp sản xuất sơn Việt Nam

Ngành sơn Việt Nam được hình thành từ những năm 30 của thế kỷ XX từ cơ sở là dầu thực vật: dầu lanh, dầu chẩu, dầu cao su có sẵn trong nước. Thời kỳ này sản lượng sơn ít, chủng loại sơn hạn chế, sản phẩm chủ yếu là sơn dầu được cung cấp cho lĩnh vực xây dựng. Từ chỗ chỉ sản xuất được một vài loại sơn thông dụng chất lượng thấp, đến nay, ngành sơn Việt Nam đã có thể sản xuất được nhiều loại sơn đặc chủng, có chất lượng cao như sơn trang trí, sơn dầu, sơn bột…hay các loại sơn kỹ thuật như sơn chống ăn mòn, sơn chịu mặt, sơn chống hà, sơn chịu nhiệt, sơn chống cháy, sơn phát quang, sơn phản quang, sơn có độ bền cao…Trước kia, sản xuất sơn tập trung chủ yếu ở khu vực quốc doanh, khu vực ngoài quốc doanh chỉ có một vài cơ sở sản xuất nhỏ, chất lượng sơn làm ra thấp. Những năm gần đây, nhờ thu hút đầu tư nước ngoài ngành sơn Việt Nam đã có những bước phát triển vượt trội, nhiều hãng sơn nước ngoài đã đầu từ vào Việt Nam dưới hình thức liên doanh, hay 100% vốn đầu tư nước ngoài, hoặc chuyển giao công nghệ. Các sản phẩm sơn ở Việt Nam được tập trung sản xuất nhiều ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đồng Nai, Bình Dương và một số các tỉnh miền trung khác như Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa. Số lượng nhà sản xuất sơn bắt đầu tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây, bảng 1, 2:

Bảng 1: Số lượng doanh nghiệp sơn phân theo thành phần kinh tế

TT Doanh nghiệp 2008 2009 2010 2011 2012
1 Doanh nghiệp Nhà nước 1 3 3 3
2 Công ty cổ phần 64 84 89 102
3 Công ty TNHH 158 168 202 249
4 Doanh nghiệp tư nhân 18 23 18 17
5 Công ty liên doanh nước ngoài 4 3 4 7
6 Công ty 100% vốn nước ngoài 53 57 55 64

Nguồn từ Tổng cục thống kê năm 2012

Bảng 2: Số doanh nghiệp Sơn phân theo vùng kinh tế
TT Tỉnh 2008 2009 2010 2011 2012
1 Thành phố Hà Nội 74 85 98 131  
2 Tỉnh Yên Bái 1 1 1 1  
3 Tỉnh Quảng Ninh 0 1 1 1  
4 Tỉnh Bắc Giang 0 1 1 1  
5 Tỉnh Phú Thọ 1 3 3 2  
6 Tỉnh Vĩnh Phúc 2 3 3 3  
7 Tỉnh Bắc Ninh 2 2 3 10  
8 Tỉnh Hải Dương 2 2 4 4  
9 Thành phố Hải Phòng 4 5 7 8  
10 Tỉnh Hưng Yên 4 3 3 6  
11 Tỉnh Thái Bình 1 1 2 1  
12 Tỉnh Hà Nam 1 4 3 3  
13 Tỉnh Nam Định 0 0 0 0  
14 Tỉnh Ninh Bình 0 0 0 0  
15 Tỉnh Thanh Hoá 2 1 0 2  
16 Tỉnh Hà Tĩnh 1 1 1 1  
17 Tỉnh Quảng Bình 0 0 1 0  
18 Tỉnh Thừa Thiên Huế 3 3 2 1  
19 Thành phố Đà Nẵng 0 1 3 5  
20 Tỉnh Quảng Ngãi 2 2 3 1  
21 Tỉnh Bình Định 3 3 6 6  
22 Tỉnh Khánh Hoà 1 2 5 4  
23 Tỉnh Lâm Đồng 0 0 1 1  
24 Tỉnh Tây Ninh 2 4 3 2  
25 Tỉnh Bình Dương 40 38 39 49  
26 Tỉnh Đồng Nai 23 25 22 25  
27 Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu 2 2 2 5  
28 Thành phố Hồ Chí Minh 116 130 138 146  
29 Tỉnh Long An 7 10 11 14  
30 Tỉnh Vĩnh Long 0 1 1 2  
31 Tỉnh Đồng Tháp 1 1 0 1  
32 Tỉnh An Giang 1 1 1 1  
33 Thành phố Cần Thơ 2 2 3 4  
Tổng 298 338 371 441

                                               Nguồn từ Tổng cục thống kê năm 2012

Theo số liệu của tổng cục thống kê, tổng lượng sơn được sản xuất ở nước ta kể từ năm 2002 đến năm 2011 đã tăng từ 99.751 tấn/năm lên 810.547 tấn/năm, trong đó sơn trang trí chiếm 66%, sơn công nghiệp chiếm 27%, sơn tàu biển và các loại sơn khác chiếm 7%, hình 1.

Về nhu cầu tiêu thụ sơn ở nước ta, theo số liệu thống kê của Hiệp hội Sơn – Mực in năm 2000 thị trường trong nước tiêu thụ 67.890 tấn, năm 2004 tiêu thụ 140.500 tấn, năm 2006 tiêu thụ 187,85 triệu lít, năm 2007 là 236 triệu lít và năm 2008 là 241 triệu lít. Thực tế lượng sơn tiêu thụ ở Việt Nam còn thấp, theo số liệu thống kê của năm 2010 là 2,8 – 3,0 lít/người/năm. Trong khi đó ở Mỹ đạt 20 – 22 lít/người/năm, Tây Âu 15-16 lít/người/năm, Nhật, Đài Loan, Hồng Kông cũng đạt 12-13 lít/người/năm. Như vậy nhu cầu sơn của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng theo đà phát triển của nền kinh tế.

Theo dự báo, ngành sơn sẽ được tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới. Với dân số 86 triệu người theo thống kê năm 2009 và dự báo chạm mức 96 triệu người vào năm 2020 thì nếu chỉ cần đạt mức tiêu thụ bình quân của khu vực như hiện nay 6-10 kg/người/năm, quy mô thị trường sơn Việt Nam trong vòng 10 năm nữa tối thiểu đạt mức tiêu thụ 500.000 tấn/năm với giá trị lên đến 800 triệu USD/năm. Dự báo nhu cầu các loại sơn trong giai đoạn 2011 – 2030 được thể hiện trong bảng 3:

Bảng 3. Dự báo nhu cầu sản phẩm Sơn

Loại sản phẩm Đơn vị 2011 2015 2020 2030
Sơn xây dựng Tấn 175.000 238.000 285.000 342.000
Sơn chống gỉ Tấn 23.000 37.800 50.000 60.000
Sơn gỗ Tấn 50.000 67.200 80.000 98.000
Sơn công nghiệp Tấn 52.000 77.000 85.000 100.000
Tổng số 300.000 420.000 500.000 600.000

Nguồn: Hiệp hội Sơn-Mực in Việt Nam

Về nguyên liệu sản xuất sơn: Do phần lớn các nguyên liệu cho các ngành sản xuất sơn ở nước ta hiện nay đều phải nhập khẩu (chất tạo màng, phụ gia, các loại bột màu, dung môi) nên giá thành sản xuất cao, tính cạnh tranh của sản phẩm kém. Theo báo cáo của Hiệp hội Sơn – Mực in Việt Nam năm 2009, về nguyên liệu cho ngành sơn Việt Nam vẫn phải nhập khẩu đến 70%.